Thành phố Móng Cái đang bị thương nhân Trung Quốc biến thành nơi tập kết hàng nhái để từ đó tuồn sâu vào nội địa Việt Nam.
Hàng nhái các thiết bị vệ sinh có thương hiệu nổi tiếng - Ảnh: Káp Thành Long Vác hàng lậu về Việt Nam - Ảnh: Káp Thành Long |
Cả ngàn thương nhân Trung Quốc đã sang TP.Móng Cái, Quảng Ninh xây trung tâm thương mại, thuê quầy để bán buôn, biến nơi đây thành một đầu mối giao dịch hàng nhái rồi tuồn sâu vào nội địa.
|
Đứng từ nhà hàng xoay 360 độ trên đỉnh tòa nhà cao 25 tầng của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn ra toàn cảnh TP.Móng Cái. Nhưng điều đáng buồn là ngoài tòa nhà cao nhất thành phố mà chúng tôi đang đứng, nhiều tòa nhà, trung tâm thương mại lớn và hiện đại mới xây lại là của người Trung Quốc xây trên đất Việt Nam. Chỉ tay ra phía xa, anh Khanh, người bạn của tôi sống ở Móng Cái, bảo: Xa xa qua cầu Ka Long kia là khu khách sạn Lợi Lai, khách sạn sang nhất Móng Cái. Gần đó là khu khách sạn, trung tâm thương mại Hồng Vận. Còn sát với cửa khẩu Bắc Luân kia là trung tâm thương mại quảng trường Hòa Bình, gần đó là khu chợ Vinh Cơ với hàng trăm gian hàng, ở dưới họ bán hàng, ở trên cho người Trung Quốc thuê để ở.
Anh Khanh phân tích: “Doanh nhân Trung Quốc đã thuê những vị trí đắc địa, xây công trình hoành tráng ở ngay bên đất của mình, cuối cùng lợi nhuận vẫn nằm trong vòng tròn của họ. Tiền thuê quầy, thuê nhà cũng về tay họ, các thương nhân sang đây làm ăn cũng ở trong khách sạn của họ, lợi nhuận lớn nhất cũng về tay họ. Ngân sách cũng không thu được nhiều thuế vì hàng giả hàng nhái đi đường tiểu ngạch chứ có thông quan qua hải quan đâu mà nộp thuế”.
Hiệu gì cũng có
Điều đáng lo ngại của kinh tế biên mậu giờ đây không chỉ là những kiện hàng được chở bằng đò qua biên giới, mà người Trung Quốc đã xây dựng những “căn cứ” hàng lậu, hàng nhái để đẩy sâu vào nội địa Việt Nam.
Trong vai người đi khảo sát thị trường tìm nguồn hàng thiết bị vệ sinh, tôi đến khu chợ Vinh Cơ. Khu chợ này của người Trung Quốc rộng cả ngàn mét vuông, có 4 mặt tiền, với hàng trăm gian hàng. Bước vào một ki ốt, chỉ bộ vòi sen sáng bóng hiệu American Standard, tôi hỏi: “Đây là hàng A hay hàng đồng?”. Bà chủ ngoài 40 như bắt tín hiệu của một người mua buôn có nghề, liền lật ngay đáy bộ vòi sen bên trong sáng màu đồng nói lơ lớ: “Hàng đồng đấy, không phải A đâu, nhà này toàn bán hàng đồng thôi”. Dân trong nghề buôn thiết bị ngành nước đang chuộng thiết bị làm bằng đồng vì chất lượng tốt, hàng bền và không có hại cho sức khỏe như thiết bị làm bằng antimon (thường gọi là A).
Bà chủ tên Phượng, bán hàng ở Móng Cái đã được 5 năm, bà học và nói được tiếng Việt nên không phải thuê người bản xứ. Tôi bảo: “Em đang lấy hàng cho mấy cửa hàng thiết bị vệ sinh ở Hưng Yên, nhưng dân trong đấy thích hàng thương hiệu Inax, Viglacera cơ, họ ít biết đến American Standard lắm”. Bà Phượng nói: “Cái đấy lo gì, em cứ đặt từ 30 bộ trở lên là chị cho dập mác gì cũng được, em thích Inax, Viglacera hay Toto, kể cả Kohler cũng OK hết”.
|
Trong khi tôi ở cửa hàng, có mấy khách du lịch cũng vào xem, hỏi và mặc cả giá, bà Phượng bảo “hết hàng” rồi quay sang tôi nói: “Bọn chị làm quầy ở đây chỉ trưng bày để bán buôn là chính, bán lẻ chả được bao nhiêu. Khi có đơn hàng sẽ có xe chở từ nhà máy hoặc từ kho ở sát biên giới đưa sang tận địa điểm nhận hàng”.
“Vậy thanh toán, vận chuyển thế nào?”, tôi hỏi. Bà Phượng đáp: “Em trả trước 50% rồi về, sẽ có người đưa hàng về tận nơi, em trả nốt tiền cho lái xe là xong”. “Nhưng nếu trên đường đi hàng bị quản lý thị trường, thuế, hải quan bắt thì em mất tiền à?” - “Em yên tâm, nhà xe đã bao luật hết rồi, cứ thấy hàng em mới phải trả tiền, nếu mất hàng họ sẽ chịu trách nhiệm, tiền đặt cọc của em sẽ được bù bằng đợt hàng khác. Chị bán hàng ở đây lâu dài chứ có phải buôn một chuyến đâu mà sợ, chị còn chuyển hàng vào tận miền Trung, miền Nam ấy chứ, ở Hưng Yên ăn thua gì!”.
Tôi giật mình vì giá mỗi bộ vòi sen ở đây chỉ bằng nửa giá thậm chí bằng 1/3 so với hàng “cùng thương hiệu” bán tại Hà Nội, Hưng Yên. Và trong những cửa hàng bán đồ thiết bị vệ sinh trong nội địa ấy, nhiều khi cũng lẫn lộn cả hàng thật, hàng nhái bởi kỹ thuật làm nhái tinh vi của các nhà sản xuất bên kia biên giới luôn đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường hơn 80 triệu dân nằm ngay sát họ. Chiến lược của họ là đưa hàng qua biên giới, rồi bằng “sức hút” giá cả, mẫu mã, hàng sẽ được đẩy sâu vào nội địa. Móng Cái chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm, là một cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Rời dãy hàng thiết bị vệ sinh, chúng tôi sang khu vực bán điện thoại. Hàng trăm quầy hàng sáng trưng với các nhân viên nữ người Việt xinh đẹp luôn miệng quảng cáo, thử hàng cho khách. Ở đây có thể dễ dàng tậu điện thoại thông minh hiệu iPhone, Samsung, giá 3 triệu, Nokia, LG giá 1 - 2 triệu hoặc vài trăm ngàn đồng. Chính các nhân viên bán hàng cũng bảo đây là hàng nhái. Họ đưa ra lời giải thích để trấn an khách: “Thì cả iPhone, Nokia chính hãng cũng sản xuất ở Trung Quốc mà anh. Đây là hàng nhái, nhưng là hàng trung ương, chất lượng đảm bảo”.
Biết tôi định mua cả lố để mang về quê ở Hòa Bình bán cho người nghèo thích xài hàng hiệu, cô bán hàng lập tức gọi cho ông chủ người Trung Quốc. Tôi được đối xử khác hẳn, cậu chủ tên Phong, 30 tuổi, phủ đầu tôi ngay lập tức bằng việc hạ giá: “Nếu anh mua từ 20 chiếc mỗi loại, em bớt cho 20%, nếu mua từ 50 chiếc trở lên có thể bớt tiếp. Bên em bao đưa hàng về tận nơi theo yêu cầu của anh, anh không cần trả tiền, nhận hàng anh trả đủ là được”.
Không chỉ hàng điện tử, tại Móng Cái còn nổi tiếng với quần áo, vải vóc. Tại khu chợ 1, là chợ của Việt Nam nhưng gần 80% là người Trung Quốc thuê quầy kinh doanh. Tại đây, hàng nhái các loại thương hiệu như Adidas, Nike, Reebok... đều có vô số, thậm chí có cả hàng gắn mác “Made in Vietnam”.
Cơ quan chức năng làm ngơ
Khảo sát một vòng quanh các chợ, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều là hàng bán buôn và được bao trọn gói đưa hàng vào nội địa. Nhưng điều khiến chúng tôi thắc mắc là hàng nhái tràn ngập Móng Cái, cả người bán cũng thừa nhận đó là hàng nhái, nhưng không hiểu sao quản lý thị trường nơi đây vẫn để tình trạng này diễn ra tràn lan. Với hàng nhái, chắc chắn sẽ không được nhập khẩu bằng đường chính ngạch, không khai báo thuế (vì không cơ quan nào được phép cho thông quan hàng nhái, hàng giả) và ngân sách sẽ thất thu, thị trường trong nước bị làm méo mó, góp phần bóp chết sức sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tìm đến cơ quan quản lý thị trường. Nhưng đề nghị của chúng tôi luôn bị né tránh, đùn đẩy. Mặc dù đã được Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh phân công làm việc với phóng viên từ trước, tuy nhiên khi liên hệ qua điện thoại với ông Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 4 (Móng Cái), chúng tôi liên tục nhận được lời từ chối “bận việc gia đình”. Sau cùng, ông Tuấn đề nghị phóng viên gặp Đội phó Đinh Quang Mận.
Theo ông Mận, lực lượng QLTT tại đây đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái nhưng lực lượng mỏng nên còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Mận cho biết: Tại Móng Cái có khoảng trên 6.000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 800 hộ kinh doanh là người Trung Quốc, tập trung nhiều ở chợ 1 và các chợ như: TOGI, Hồng Vận, Trung tâm thương mại Vinh Cơ. “Hộ Trung Quốc sang chợ thuê quầy và xách hàng sang để bán, sáng đi tối về”, ông Mận thông tin thêm.
Chúng tôi hỏi: “Đến cả người bán hàng cũng thừa nhận họ bán hàng nhái, vậy tại sao lực lượng QLTT không xử lý triệt để?”. Ông Mận đáp: “Thì dĩ nhiên, ở biên giới ít nhiều cũng phải dính tí... lậu!”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét